Mỗi tháng Sáu về

Posted by Unknown On 22:46
(Văn hóa) Mỗi tháng Sáu về, lại giật mình thảng thốt bởi mốc nửa năm, nghĩa là đã nửa chặng đường, nửa chừng của kế hoạch, nửa chừng của dự định.
Mỗi tháng Sáu về
Tháng Sáu trời thường đổ mưa, những cơn mưa tưới mát mùa hạ nhưng quá đỗi phiền hà. Bạn ở phố kể nỗi vất vả hôm tắc đường, lúc nhúc vượt qua dòng người kẹt cứng để trở về phòng trọ nên ướt đẫm. Mẹ ở nhà nghe con gái thở than trong điện thoại nên nén tiếng thở dài, quê nhà mấy hôm nay cũng mưa dầm hơi đất. Cha mẹ mỗi ngày thêm gầy hao bởi đồng ruộng vẫn phải xanh bằng cuốc cày cần mẫn.
Hôm rồi, tự dưng xúc động khi nghe bạn kể lúc vợ cấn thai người ốm nghén là bạn. Chuyện này hồi trước từng đọc đâu đó, đến khi nghe chính bạn mình kể lại mới hay là có thực. Điều này xảy ra khi người chồng thương yêu vợ rất nhiều nên hồ như nhận giùm tất thảy nỗi mệt nhọc. Ngày trước bạn là cậu trai sôi nổi, bây giờ là người chồng người cha tuyệt vời mà người phụ nữ nào cũng mong, trong câu chuyện vài ba phút lại nhắc vợ con bằng yêu thương trân trọng.
Đôi khi chẳng thiết tha bao gặp gỡ xa lạ, nhận ra những mối quan hệ vừa mới xây đắp quá ư nhạt. Hay bởi điều gì thuộc về xưa cũ đều được kiểm chứng qua thời gian, rằng từng ấy năm tháng qua mà ta vẫn thân thương nhau nhiều lắm.
Thế nên tháng Sáu lại phân vân trước hẹn hò sắp đặt, dẫu lòng đã muốn cố gắng để hoàn thành dự định hạnh phúc của cuộc đời. Bỗng dưng dậy nỗi lo lắng mơ hồ làm sao bắt đầu một xã giao bình thường để đến cái nắm tay rất cần chân thật. Nên chăng cứ “vô ngã vị tha” mà sống, ắt hẳn tâm luôn bình an. Phải chi ai cũng thật tâm thật tình thì đâu đến nỗi buộc mình luôn gieo rắc hoài nghi mệt mỏi.
Người ta mỗi ngày đã cùng nhau gieo nhiều nỗi nghi ngại. Bờ môi nào cũng đẫm nghi kị và đầy phán xét, sống với nhau thay thân ái bằng đố kị, ghét bỏ. Ai đó lỡ lời hay nhầm lẫn sẽ bị suy xét lý do đến cùng mà đâu hay lắm sự việc xảy ra chỉ vì đến lúc phải vậy.
Tháng Sáu, đôi lúc tuyệt vọng bởi nhiều điều không như ý, mình ngó nghiêng ra cuộc đời để thấy nhiều thân phận bất an. Nhớ độ trước, khi chiếc thuyền đánh cá chìm ngoài biển khơi, ba mươi mấy con người may mắn trở về trong sự ngóng trông của người thân thuộc. Những người đàn ông mạnh mẽ chẳng sợ chi gió biển mây trời đã rớt nước mắt. Đôi khi còn được sống khỏe mạnh, còn được gặp người thân đã là một ơn may. Dẫu ơn may này, ít ai trong lúc đang bình thường có thể cảm nhận, chỉ khi đi qua vài biến cố mới thấy trân quý vô ngần.
Tháng Sáu tiếp xúc với nhiều người chẳng bận tâm gì nhân gian, chỉ chăm lo cuộc sống cá nhân và ồn ào hưởng thụ. Đã vậy lại chê bai, khinh miệt bao kẻ cắm cúi tự lo cuộc sống của chính mình. Bạn đâu trải qua những ngày khốn khó nên thiếu cảm thông còn thừa khinh bỉ, rằng người đó chỉ đáng được vậy và chẳng bao giờ khá lên. Mặc nhiên nghĩ mình ban phước cho người ta mà đâu hay hình như ngược lại, khi cách đối xử nhân tình thế thái đầy hằn học và toan tính nhiều.
Lắm lúc, cảm giác một ngày vội tan mất mà mình chưa làm được gì cho ý nghĩa. Lại cuống quýt nhẩm tính tới lui, giá như giờ mới bắt đầu hay giờ mới đầu năm, mới là tháng Một…Mình là đứa hay tiếc thời gian dù thời điểm hiện tại đã luôn ăn năn vì đang phung phí.
Tháng Sáu chỉ bình yên thôi lo nghĩ khi gặp cánh diều bay lượn giữa trời xanh, rơm vàng nằm yên nghe từng thớ đất cựa mình tìm ẩm ướt. Với những phận người mở mắt đã thấy đời khắc nghiệt, tâm hồn cần tưới tắm bằng giản đơn, là chiếc võng đong đưa trưa hè, là câu hò vọng lên giữa chiều ghe, là tiếng ếch rỉ rả khi đêm về, hương bông cau bông sứ rớt bên thềm thoang thoảng. Tháng Sáu này, thèm lắm những ngọt ngào khó phai như vậy…
Diệu Ái - dantri.com.vn

Mưa trong lòng minh

Posted by Unknown On 22:44
(Văn hóa) Có những nỗi lòng không đâu nếu đem trút hết thảy vào một chiều giông gió ắt hẳn sẽ hệt cơn mưa rào. Chỉ khác là chẳng biết bao giờ mới tạnh hẳn bởi cứ lặng lẽ ủ dột trong âm thầm.
Mưa trong lòng minh
Những ngày hai mươi sắp đi qua và ba mươi gần chạm ngõ, thế mà thi thoảng phải trả giá cho bao nông nổi của cảm xúc này. Có còn nhỏ dại nữa đâu để tin vào điều lãng mạn không có thực, vậy mà vẫn dại khờ để rưng rức bởi những ngọt ngào từ môi.
Trách người ta khéo léo mang nhiều bộ mặt để nhìn mình hay tại mình dại dột khi tin người quá đáng, dẫu sao thì cảm xúc đâu có lỗi bởi mình đã thương như từng thương.
Đôi khi ngỡ nếu cứ thực lòng, cứ chân thành hay ít nhất hồn nhiên như vốn dĩ vậy thôi, người ta sẽ đổi thay vì chẳng ai trót nỡ làm một con tim thật thà phải buồn thương tiếc nuối. Người hỏi có thương người không mà thấy lòng đắng đót như thể những lời ấy đâu lấp đầy bao ngờ vực hoang mang. Nếu mà thương thì phải nói, đừng để đến khi đi rồi lại trách nhau. Ừ, đành vậy.
Những người đàn ông mạnh mẽ chính trực chẳng bao giờ khiến một cô gái yếu đuối phải hoài nghi về mình. Là thương hay là yêu, là say nắng hay chút cảm tình cũng là đáng quý giữa người và ta. Khi chúng mình chưa là gì mà cứ ngỡ là tất cả, khi chưa yêu đã thấy tim rộn rã, chưa xa đã nhớ nhung bồi hồi. Sẽ thật dại khờ khi tự mình tạo ra thói quen thương nhớ một người nào khác, lại càng đau khi biết rằng người ta không xứng đáng. Thấy hối tiếc với những cảm xúc tự mình thêu dệt nên, bởi chẳng bao giờ người dám bắt đầu khi biết rằng sau cùng gì cũng kết thúc.
Bạn bảo nếu mà thương hãy thương người nào sẵn sàng đón đưa mình dẫu là ngày mưa bay tầm tã. Người ta không ngại ngần phải đẫm sương gió vì mình, không ngại phải đổi thay, không ngại phải từ bỏ thói quen vì mình. Đặc ân của con gái là được chiều chuộng và thương yêu, bởi khi được yêu, con gái mình sẽ chiều chuộng và thương yêu người kia gấp bội. Thân con gái đi sau về muộn là vậy, bắt đầu thương người ta sau song sẽ thương thật sâu ngay cả khi người ta bỏ đi lâu lắm rồi. 

Những buồn vui đột nhiên liên quan tới người ta mà đâu biết rằng với người ta, mình chẳng là gì. Có những đường thẳng song song nếu muốn gặp nhau, ắt hẳn phải có một đường chịu nhún mình để cong đi. Dẫu cố gắng đến từ một phía nếu có kết quả cũng chẳng mấy khả quan gì. Lòng rã rời bởi những hoài nghi tuyệt vọng, bởi đã mong chờ ở họ quá nhiều để rồi trắng tay như người mất của. Yêu là khi nhận ra những cảm xúc của mình tự dưng thuộc về người khác và nỗi nhớ của mình cũng do họ cầm nắm trong tay.
Biết rõ ràng người ta không đáng để mình phải lãng đãng vu vơ, vậy mà lý trí lại gục đầu thua cuộc trước những cảm xúc bàng bạc dạt dào. Lại tự kháng cự và đấu tranh với chính mình rồi nhận ra thắng thua gì mình cũng là người tổn thương. Thế nên, nỗi lòng lại như cơn mưa dài, man mác chẳng biết bao giờ tạnh hẳn. Nếu tạnh rồi lại lo chẳng biết đến lúc nào trở mình mưa tiếp.
Quán cà phê bên bờ sông một ngày mưa ướt, ai cũng hiền từ ngồi nhìn mưa vô định. Em bảo giá mà người ta hiểu em hơn, sẽ thấy em đáng yêu gấp nhiều lần cô gái mà người ta đang chung bước. Tình yêu vốn vô tội nên em không đáng trách khi trót thương một trái tim đã thuộc về người khác. Song, sẽ đáng giận vô cùng nếu em làm tình yêu đó phải tổn thương đổ vỡ vì em.
Những nghìn trùng tin yêu ắt có thật nên đôi lứa mùa này mới cập rập để bên nhau dài lâu. Bạn rớt nước mắt hối hận vì đã kết thúc đời độc thân vội vã thế này và bỗng dưng thấy ghét cái người sắp làm chồng mình đang cười hạnh phúc để lo toan cho đám cưới ở kia. Chỉ là chút cảm xúc thoáng qua khi bạn tiếc nuối về khoảng thời gian tự do tự tại và lo lắng trước cuộc sống hôn nhân bộn bề, dẫu gì bên ai đó thương mình dài lâu là hạnh phúc chứ đâu phải bất hạnh. Người ta vẫn gọi là ngày vui, ngày chung đôi đấy thôi.
Bỗng lo lắng mơ hồ rằng, những cảm xúc này rồi sẽ hóa rong rêu khi lâu lắm mới xáo trộn vì ai đó. Rồi lại hồ nghi với bao người mình gặp, hồ nghi cả với tình yêu của người ta hệt như một lời thơ đã rất lâu “Ta đâu có đề phòng từ phía những người yêu/ Cây đổ về nơi không có vết rìu”(*). Khi cuộc đời giăng mắc quá nhiều giả dối, đớn đau vô cùng bởi những giả dối mang danh tình yêu…
Diệu Ái - dantri.com.vn

Có một lũy tre làng trong ký ức tuổi thơ

(Văn hóa) Tôi sinh ra ở một vùng trung du xa hút hắt. Tuổi thơ của tôi gắn chặt với miền quê cằn cỗi ấy. Nhưng đến năm tôi lên lớp năm, sau những trận đỏ đen ngút trời, bố mang cả gia đình bỏ đi biệt xứ.
Có một lũy tre làng trong ký ức tuổi thơ
Có những buổi chiều lặng gió, đứng giữa vườn dừa bạt ngàn của vùng Đông Nam Bộ, tôi ngơ ngác xăm soi từng thân cây một mong tìm lại chút thân quen. Cây tre bắc bộ ám ảnh tôi suốt cuộc đời. Những khi ấy tôi nhớ da diết cơn mưa lá tre ào ào của một vùng mờ mờ trong kí ức. Tất cả chỉ là ảo vọng của một đứa con tha hương sống lay lắt bên kia bờ hoài niệm mà thôi.

Quê tôi có nhiều loại cây lắm: Cây mít, cây trôi, cây quéo… Mỗi độ bão tràn về, thế nào sáng ra cũng có dăm cây cổ thụ đổ vật xuống, chắn kín đường làng. Tôi hỏi ông tôi: “Ông ơi! Sao chúng lại bị đổ hả ông?”. Ông bảo tôi rằng: “Vì chúng chỉ đứng đơn độc cháu ạ!”. Tôi “À” một tiếng rõ to rồi phóng mắt nhìn ra xa, rặng tre ngoài kia quấn chặt lấy nhau vẫn đứng hiên ngang trong gió.

Cây tre quê tôi cao vút, được ghép lại bởi hàng chục đốt xanh ngắt mỡ màng nhưng cũng có khi vàng óng ả. Lũ trẻ chúng tôi phân loại từng rặng tre: Búi tre ông Nghi, búi tre ông Đản, tre ngộc, tre hóp… Búi tre ông Nghi gày xơ xác, thấp lè tè nhưng chắc đến đanh lại. Cứ mỗi mùa quả đay đến vụ, quả xoan ương sắp chín hay thậm chí sang cả mùa cơm nguội, trưa nào lũ trẻ chúng tôi cũng rình mò, lén lút đâu đó quanh khóm tre ít ỏi. Chỉ lơ một cái, y rằng một cây cũng bị chặt phéng ngay đem về chia nhau làm súng hóp. Thằng nào chẳng may bị bắt, mặt nó xanh lét đến thảm hại bởi ông Nghi, chủ nhà, đã từng nổi tiếng vì thành tích chặt đứt đuôi con bò nhà thằng Tưởng chỉ vì nó dại dột liếm vài cái lá tre.

Búi tre ngộc được biết đến nhiều hơn cả. Tôi còn đặt cho nó cái tên tre tây. Vì nghe bà kể bọn tây hồi xưa cũng to như tre ngộc vậy. Muốn nhìn thấy ngọn, tôi phải khum khum hai tay, nheo mắt lại. Trên đó chim kéo về hàng đàn vì chẳng mấy khi có người trèo lên được. Mo tre ngộc to như cái quạt nan, vàng xộm, đem bán cho các nhà đan nón phải đắt gấp hai tre thường. Mỗi độ thu về, nhiều đứa có khi chỉ vì tranh nhau cái mo tre mà choảng nhau sứt đầu mẻ trán.

Ông tôi có tài làm mọi thứ bằng tre. Khoảng tháng tư, tháng năm hàng năm, lúc bão bắt đầu tràn về, ông ngả bớt những cây tre rìa búi sắp đổ. Sau đó ông ngâm xuống ao đến vụ cá đầu đông. Vào những ngày giá rét, tôi ngồi xem ông cắt khúc cây tre như cắt khúc một con lươn khổng lồ vừa kéo được dưới ao lên. Chỉ từ vài khúc tre như vậy ông tôi đã biến hoá ra bao nhiêu thứ: Cái rổ, cái giá, cái giần, cái sàng…

Ông tự làm cho mình một cái điếu cày rất đẹp, châm lửa hút thuốc bằng đóm tự chẻ luôn. Những ngày xẻ thịt cây tre, ông không bao giờ quên đan cho tôi cái bu gà trọi và cái giậm treo lên gác bếp chờ mùa lụt sang năm. Ở một nơi xa lắm, nơi cây tre chỉ có trong từ điển, tôi nhớ quá gốc tre cùng ông trồng những ngày cuối tôi sắp phải ra đi.
lũy tre lang va những ký ức tuổi thơ

Mùa lá tre về, đâu đâu cũng giăng mắc bao chiếc thuyền cong cong, xoay trong gió. Lá tre rụng ào ào như trút, rụng triền miên. Cây tre trút đi chiếc áo để mùa đông đứng xo ro chịu rét. Nhưng khi ấy bà tôi vào mùa. Vẫn chiếc áo nâu sờn khâu bao lần chỉ bên ngoài và bên trong là chiếc áo cánh gián toả ra mùi trầu hăng hăng quen thuộc. Một tay cầm chổi rễ cùn, tay kia bà kéo lê chiếc bao tải cũ mèm len lỏi khắp các búi tre.

Bà luồn bàn tay nâu xạm, đầy những đường gân vơ từng chiếc lá. Tôi chạy theo bà, thi thoảng cũng bẻ được vài cành củi rồi lại biến tót ngay để mặc bà nhặt mùa thu mang về. Tôi nhớ nhất cái dáng ngồi đun bếp của bà. Bếp thì nhỏ lại ọp ẹp. Mùa hè khói quyện đặc, cay xè mắt. Thế mà bà vẫn ngồi còng gập trên chiếc ghế con đủn đều đặn từng nắm lá tre dọc theo năm tháng.

Mùa đông bà dậy từ tinh mơ bắc bếp nhẩn nha luộc cho tôi nồi khoai củ mật. Nhớ ngày ấy, mỗi sáng vùng dậy, tôi không bao giờ chịu mặc quần áo rét ngay mà đánh chiếc quần cộc lao vù qua sân xuống bếp bó gối tựa lưng vào người bà. Ngồi buồn, tôi kiếm cành rào nhỏ phá bĩnh bếp lửa, lúc thì tranh bà đủn lá tre, lúc thì lấy tàn than giết lũ kiến xung quanh. Bà giơ cao cái que bời cháy nham nhở dứ dứ, tôi chạy biến.

Nhớ về tuổi thơ tôi nhớ day dứt nồi khoai củ mật và cái que bời cháy nham nhở ngày nào. Ngày tôi đi, lưng bà còng hẳn rồi. Tay bà thì run run ghê lắm. Ấy thế mà bà băm rau lang nấu cám cho lợn lại chẳng bao giờ bị đứt tay như tôi. Bà bảo tôi: “Nó có cữ rồi”. Tôi gật gật dẫu chẳng biết “cữ” là gì cả. Nhưng bữa cơm bà chan canh khó thực. Nước cứ sóng sánh trực trào ra bên ngoài. Tôi bất ngờ reo lên: “A! Bà chan canh không có cữ nhớ”. Bà bật cười móm mém: “Cha bố anh!”.

Bao giờ tôi cũng xí phần chan canh cho bà. Thế mà tôi lại phải đi…

Hôm đó ông bà đưa tiễn chúng tôi ra mãi tận đầu làng. Ông thì yên lặng nhưng bà thỉnh thoảng lại lau mắt bằng chiếc khăn mùi xoa mà lần nào đi chùa về bà cũng gói trong đó không quả chuối thì cái oản cúng cho tôi. Chiếc xe xa dần, xa dần. Tay bà run rẩy trong hơi lạnh. Lá tre đổ ào ào như bão.

Mùa này chắc lá tre quê tôi bắt đầu rụng. Hôm trước đọc báo thấy mặt hàng mây, tre đan xuất khẩu của Việt Nam được giá. Vui thì vui thật nhưng chẳng biết lũ trẻ quê tôi có còn chỗ để móc mo tre nữa hay không?

Cách đây vài tháng tôi bất chợt gặp thằng bạn ấu thơ phiêu dạt vào đây. Nó kể “quê mình giờ lấy đâu còn lá tre”. Ông bà nội tôi thì đã mất cả rồi. Thế mà chẳng hiểu sao tôi vẫn day dứt về một mùa lá tre. Có lẽ tôi phải về thôi. Biết đâu búi tre ông trồng cho tôi chả còn…


Nguyễn Anh Thế - dantri.com.vn

Bát nước chè xanh quê hương

Posted by Unknown On 21:52
Bát nước chè xanh quê hương
(Văn hóa) Hồi ôn thi Đại học tôi ở trọ nhà bà, căn nhà không rộng nhưng ấm cúng sạch sẽ. Bà có quán nước nhỏ bán bánh kẹo chè thuốc cho khách vãng lai. Quán nhỏ, tranh tre nứa lá thôi nhưng lúc nào cũng đông khách.
Bát nước chè xanh
Những lúc rỗi giúp bà hái, rửa chè mới thấy hết cái tận tâm tỉ mẩn của công việc tưởng nhẹ nhàng. Đầu tiên phải chọn những lá chè già ngả màu xanh đen sau đó rửa đi rửa lại nhiều lần. Khi nước trên ấm sôi bắt đầu vò chè thả lên cô thêm một lúc, nước rót ra có màu xanh sóng sánh như mật ong phải hòa thêm nước sôi mới uống được. Buổi trưa hè oi ả thưởng thức vài phong kẹo lạc nhâm nhi bát nước chè tự nhiên thấy thú vị vô cùng, bao toan tính vụn vặt cũng qua đi chỉ còn dư vị ngọt ngọt chát chát trên đầu lưỡi.

Những lúc ấy tôi lại được nghe bà kể chuyện ngày xưa. Những câu chuyện có thật từ chính cuộc đời ngót thế kỷ của bà: “Ngày xưa cũng nhờ bát nước chè này mà lấy đồn Dốc Miếu đấy, nghiện nước chè của tao nên đồn trưởng, đồn phó cho đến lính tráng lúc nào cũng tấp nập, giữa quán là căn hầm bí mật cho hai trinh sát của ta thường trực, thế là bao nhiêu chuyện mà bọn chúng bô bô với nhau đều được ghi lại không thiếu một chi tiết dù là nhỏ nhất...”.

Chiến tranh kỳ lạ thật, nó đã dệt nên bao câu chuyện giữa đời thường, những con người bình dị như bà, dư vị chè xanh thơm thơm đầu lưỡi bỗng chốc trở thành huyền thoại. Có lẽ đất trời sông núi nơi đây, hào khí nghìn năm hội tụ đã sinh ra những người con anh dũng.
bát nước chè xanh ăn cùng bánh - kẹo cu đơ hà tĩnh

Bà nhìn vào một cõi xa xăm, đôi mắt đục mờ ngân ngấn nước: “Các anh ấy cũng độ mười tám đôi mươi như tụi bay giờ. Ngày họ tiến vào giải phóng Đông Hà đã ăn uống gì đâu, chỉ kịp nhấp ngụm chè xanh, rồi tất tả chạy, hẹn ngày giải phóng về đây giúp mạ bán nước chè, nhưng nào thấy ai trở lại”.

Quán nước của bà giờ là điểm hẹn cho những người đi xa về ghé vào uống nước nói dăm ba câu chuyện phiếm, là điểm dừng chân chờ xe cho những người ra Bắc, vào Nam và nhất là đám học trò trường huyện như chúng tôi. Trước khi vào lớp ghé quán ăn kẹo lạc, đi học về ghé quán ăn bánh mì chờ nhau, quán nhỏ vì thế lúc nào cũng tíu tít tiếng cười. Trong đám có đôi nào không chịu học hành, có tình có ý với nhau bà biết hết, lúc đầu bà nhẹ nhàng khuyên bảo nên tập trung vào việc học đã, nếu không nghe, bà mắng, mắng sa sả không nể nang gì. Nhiều đứa ngượng không dám lôi thôi nữa. Mắng thế nhưng bà thương như con cháu trong nhà nên không đứa nào giận, chỉ thấy buồn khi ngày qua lưng bà còng hơn, tóc bà bạc hơn vì năm tháng.

Ngót mười năm hôm nay mới có dịp về ngã ba xưa, phố xá cảnh sắc giờ đã đổi khác. Bà đã về với tổ tiên. Quán nhỏ ngày xưa giờ thay thế bằng quán karaoke máy lạnh hai tầng sang trọng. Biết cuộc sống là có sự đổi thay, là có sinh ly tử biệt nhưng sao vẫn thấy buồn. Thèm bát nước chè thơm thơm ngọt ngọt và nghe bà kể chuyện ngày xưa.
  • RSS
  • Delicious
  • Digg
  • Facebook
  • Twitter
  • Linkedin
  • Youtube